Dự án giáo dục giúp cô trò Đà Nẵng vượt qua rào cản trong môi trường học tập đô thị

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là dự án giáo dục nổi bật trong 3 năm trở lại đây, CITIES - Cộng đồng ứng dụng dạy học sáng tạo trong Giáo dục mầm non đã mang đến nhiều kết quả tích cực cho mô hình dạy và học ở các trường mầm non Đà Nẵng.
Dự án giáo dục giúp cô trò Đà Nẵng vượt qua rào cản trong môi trường học tập đô thị
Đội ngũ sư phạm mầm non tại Đà Nẵng đã có dịp cùng nhau làm việc và học hỏi để tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu rào cản thông qua việc tận dụng các cơ hội đô thị.

Giáo viên trau dồi chuyên môn và học hỏi lẫn nhau

Trước bối cảnh đô thị hóa, giáo dục mầm non tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lẫn cơ hội trong việc đảm bảo sự học tập và phát triển toàn diện của trẻ. Thấu hiểu điều đó, trong 3 năm trở lại đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT) Thành phố Đà Nẵng và Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ (VVOB) đã phối hợp thực hiện dự án CITIES nhằm giảm thiểu các rào cản đô thị, cũng như tận dụng cơ hội đô thị để xây dựng môi trường học tối ưu ở bậc mầm non.

Từ tháng 6/2019 đến nay, dự án CITIES đã trải qua 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (1/6/2019 - 31/5/2020), dự án đã tập trung xác định các rào cản trong lớp học, đô thị ảnh hưởng đến việc học và tham gia của trẻ, đồng thời thử nghiệm các phương pháp sáng tạo áp dụng nghệ thuật để giảm thiểu các rào cản.

Bước sang giai đoạn 2 (1/6/2020 - 28/2/2021), dự án đã thành lập 2 nhóm “Cộng đồng thực hành” (CĐTH) - bao gồm các giáo viên và cán bộ quản lý từ 6 trường mầm non công lập và 2 trường mầm non tư thục tại quận Sơn Trà - để cùng tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu rào cản thông qua việc tận dụng các cơ hội đô thị tại Đà Nẵng.

Tham gia dự án CITIES, đội ngũ sư phạm mầm non Đà Nẵng được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau qua mô hình CĐTH. Đồng thời, có cơ hội tham gia các buổi tập huấn phát triển chuyên môn, tiếp cận với trẻ em đô thị bằng phương pháp quan sát trẻ theo quá trình. Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục của VVOB cũng thiết kế thêm nhiều nguồn tài liệu chuyên môn hữu ích để các thầy cô phục vụ cho công tác dạy học.

Về kết quả của dự án CITIES qua 2 giai đoạn trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Rạng Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng nhận định: “Những thành công của các CĐTH là giáo viên biết họ cần học gì, giáo viên chủ động trong việc học, mọi ý kiến cá nhân đều được tôn trọng. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp có thể hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để phát triển chuyên môn của mình.”

Trẻ có được môi trường và cơ hội phát triển toàn diện

Song song với lợi ích mang lại cho đội ngũ sư phạm, dự án còn giúp tạo dựng môi trường học tập lành mạnh cho các em học sinh, qua mô hình mang trường ra phố và cơ hội kết nối với thế giới xung quanh. Trong đó, có 8 hoạt động mà các CĐTH đã thử nghiệm trong lớp học để giúp tạo cảm giác thoải mái và giảm thiểu các rào cản đô thị cho trẻ mầm non.

Cụ thể, trẻ mầm non sẽ có cơ hội tương tác với môi trường xung quanh và khám phá nghệ thuật thông qua các hoạt động: Tham quan bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Khám phá tác phẩm nghệ thuật qua các giác quan, Dựa vào tác phẩm nghệ thuật tạo khối 3D... Bên cạnh đó, cũng có những hoạt động kíc‌h thí‌ch học tập thông qua các giác quan như: Khám phá các giác quan qua vật liệu mở, Tạo nên chân dung từ vật liệu mở, Khám phá cảm xúc qua câu chuyện, Vẽ tranh động, Những trang phục đáng yêu...

Các giáo viên trong CĐTH tại Đà Nẵng đã có dịp ứng dụng thử nghiệm nhiều hoạt động kíc‌h thí‌ch khả năng sáng tạo cho các em học sinh mầm non trong lớp học.

Trong nhiều hoạt động kể trên, cô Nguyễn Thị Tuyết, Giáo viên trường mầm non tư thục Con Ong Nhỏ, quận Sơn Trà đặc biệt ấn tượng với “Vẽ tranh động”. Trong hoạt động này, âm nhạc được sử dụng như một động cơ để trẻ thể hiện cảm xúc. Theo đó, trẻ nghe nhạc và nghĩ về những đường nét, màu sắc phù hợp với cảm xúc khi nghe. Tiếp theo, trẻ sẽ sử dụng các dụng cụ khác nhau, kể cả các bộ phận c‌ơ th‌ể để vẽ theo cảm xúc của mình.. Sau cùng, giáo viên sẽ tổ chức cho trẻ thảo luận về bức vẽ để chia sẻ cảm xúc, sở thích, hành vi của mình.

“Hoạt động này thật sự rất hay. Mọi trẻ đều hào hứng tham gia. Các em đã thử rất nhiều vật liệu mở khác nhau để vẽ. Điều quan trọng là trẻ đã cùng nhau vẽ nên bức tranh đó. Trẻ giải phóng cảm xúc của chúng qua nét vẽ”, cô Tuyết nhận định.

Có thể thấy, qua 2 giai đoạn thí điểm, dự án CITIES đã gặt hái được một số thành công nhất định, cũng như cho thấy tính khả thi và tiềm năng trong việc mở rộng đến các khu đô thị khác trên toàn quốc. Những kết quả trên đã tạo động lực mạnh mẽ để dự án bước vào Giai đoạn 3. Ở giai đoạn 3 của CITIES, đội ngũ sư phạm Đà Nẵng và tổ chức VVOB sẽ tiếp tục đồng hành để cùng thu thập các thực hành tốt của CĐTH trong việc nâng cao chất lượng dạy và học bậc mầm non. Nhìn xa hơn, dự án đã cho thấy cơ hội để tích hợp CĐTH vào hệ thống phát triển chuyên môn cho giáo dục mầm non tại toàn thành phố Đà Nẵng, lẫn các đô thị khác tại Việt Nam.

Hình ảnh trong hội thảo khởi động dự án CITIES - Cộng đồng ứng dụng dạy học sáng tạo trong Giáo dục mầm non (Giai đoạn 3).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật