Hồi âm loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
LTS: Từ ngày 14-1 đến ngày 18-1, Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc”.
Hồi âm loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc”
Phụ nữ các dân tộc Tây Bắc. Ảnh: VOV.

Ngay sau khi các bài viết được đăng tải, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó có nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ sự đồng tình với nội dung vệt bài; đồng thời đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển các tỉnh vùng Tây Bắc. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Đồng chí TRÁNG THỊ XUÂN, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La:

 Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số

Chúng tôi rất đồng tình với nhận định trong loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc”. Một trong những rào cản của quá trình phát triển các tỉnh Tây Bắc là chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn còn khoảng cách khá lớn so với cả nước; trong khi đây là yếu tố căn cơ, quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Như đã biết, thời gian qua, các tỉnh Tây Bắc đã rất quan tâm ban hành nhiều văn bản phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Nhiều địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các trường chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, trường chính trị của tỉnh tăng cường phối hợp đổi mới, đa dạng hóa hình thức đào tạo phù hợp với trình độ nhận thức của nhiều cán bộ DTTS. Các địa phương cũng đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia... đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, gắn với quy hoạch cán bộ... Tuy nhiên, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS còn chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực này ở cơ sở có mặt còn hạn chế.

Để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cả về số lượng, chất lượng, thời gian tới các địa phương cần hoàn thiện hệ thống thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; triển khai đồng bộ các chương trình, đề án chính sách ưu tiên chính sách đặc thù trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Các địa phương cần thường xuyên rà soát, đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nhằm nâng cao tỷ lệ đội ngũ cán bộ này giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, địa phương cần tăng cường phối hợp liên kết giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh với các trường đại học để đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và nhân dân trong thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với người DTTS.

Thượng tá LƯƠNG HẢI KIÊN, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4)

 Bộ đội Cụ Hồ đồng hành giúp dân vượt khó

Qua đọc loạt bài “Đảng trong lòng dân Tây Bắc” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi thấy những vấn đề các tác giả đưa ra phản ánh khá sinh động hơi thở của công cuộc chung tay góp sức, giúp đồng bào nơi biên cương vươn lên trong cuộc sống. Nhiều giải pháp, biện pháp trong vệt bài đã và đang được Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 triển khai hiệu quả trong thực hiện 3 chức năng và 11 nhiệm vụ theo Nghị định số 22/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về khu KT-QP. Điển hình như: Mở các lớp học xóa mù chữ cho đồng bào; hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong thiên tai, hỏa hoạn; chung sức, đồng lòng cùng chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xây dựng nông thôn mới...

Đứng chân ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), một vùng biên giới nghèo miền Tây xứ Nghệ, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 phải vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, giúp các bản làng nghèo khó từng bước thay da, đổi thịt. Cụ thể: Thời gian qua, đơn vị đã vận động 46 hộ trồng 30ha cây dong riềng; triển khai 65 đợt cấp cây, con giống, giá trị đầu tư 15 tỷ 700 triệu đồng...; góp phần cùng địa phương giảm nghèo trung bình 3,2%/năm; mở 18 lớp xóa tái mù chữ và vận động hơn 98 học sinh trở lại trường, nhận đỡ đầu 32 cháu học sinh nghèo vượt khó; tổ chức 22 lớp tập huấn cho gần 3.100 lượt người là cán bộ xã, trưởng bản, già làng, người có uy tín về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh... 

Có được thành tích trên là nhờ Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh các phong trào thi đua đột kích gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới... Đó cũng là cách giúp bộ đội thêm an tâm tư tưởng, phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong việc hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống, sản xuất kinh tế để vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Cách làm hiệu quả của bộ đội ở các địa phương Tây Bắc nói riêng, ở những vùng sâu, vùng biên giới trong cả nước nói chung cần sớm được cơ quan chức năng nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật