Thổ Hà - dấu ấn ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải dài bên bờ sông Cầu thơ mộng, làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những ngôi làng hiếm hoi còn giữ được vẻ đẹp văn hóa cổ của vùng đất Kinh Bắc.
Thổ Hà - dấu ấn ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa
Bảo vật “Độc nhất vô nhị” chẳng nơi đâu sánh bằng: Cửa võng Đình Thổ Hà. Bức Cửa võng được tạo tác vào năm Chính Hòa thứ 13 (năm 1692) bởi các hương lão, quan viên và nhân dân trong xã cô

Từ trung tâm thành phố Hà Nội, chúng tôi đi theo Quốc lộ 1 về phía Bắc 31 km đến thành phố Bắc Ninh, rẽ trái 3km đến phố Đặng, ngược theo đê sông Cầu 1km thì đến bến đò Thổ Hà, qua đò là đến làng. Về với Thổ Hà, tôi ngỡ ngàng với ngôi làng vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, nếp nhà cổ tạo nên một quần thể kiến trúc cảnh quan hết sức độc đáo. 

Cửa võng đình Thổ Hà - bảo vật quốc gia

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ví rằng: “Đình Thổ Hà là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam”. Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu, tháng 12-2020, cửa võng đình Thổ Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ông Nguyễn Đăng Thường, ban quản lý đình Thổ Hà cho hay: “Năm 1692, dưới thời vua Lê Hy Tông, đình Thổ Hà được xây dựng trở thành một công trình có quy mô kiến trúc điêu khắc độc đáo. Đình thờ Thành hoàng làng là Thái Thượng Lão Quân (còn gọi là Lão Đam hay Lão Tử) và tổ sư nghề gốm Tiến sĩ Đào Trí Tiến”.

Đình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ 2 ở Bắc Giang sau đình Lỗ Hạnh (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa) được xây dựng vào năm 1576. Không những vậy, ngôi đình còn tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt, các mảng chạm khắc thể hiện đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Những hiện vật ở đình Thổ Hà còn lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật, giá trị nghiên cứu văn hóa - lịch sử. Trong đó, cửa võng đình Thổ Hà là một kiệt tác chạm khắc gỗ độc đáo, đại diện cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung hưng (Thế kỷ XVII - XVIII). 

Với chức năng để ngăn không gian tâm linh, đồng thời tạo điểm nhấn trang trọng, linh thiêng ở vị trí trung tâm trước tòa hậu cung. Cửa võng Thổ Hà được tạo tác trong giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc gỗ kết hợp từ chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian trên một khối gỗ; bên cạnh đó còn nổi bật với sơn thếp gỗ tinh xảo, cùng tư duy cách tân của nghệ nhân dân gian xưa gửi gắm vào từng mảng trang trí tạo nên tác phẩm hoành tráng nhưng vô cùng tinh tế. 

Toàn bộ cửa võng được sơn son thếp vàng rực rỡ chia làm 3 tầng: Tầng thứ nhất tính từ trên xuống, nằm ở độ cao 4m đến 4,9m. Tầng thứ nhất chiếm không gian chiều cao 0,9m, chiều rộng 0,3m; phần trên của tầng có 2 lớp diềm ngang đặt chồng lên nhau chạm thủng với họa tiết vân mây cách điệu xen kẽ, diềm dọc 2 bên mỗi khoang là hình rồng trong tư thế vươn mình, đầu hướng lên chầu vào trung tâm. 

Tầng thứ 2 kế tiếp bức chạm rồng bên trên là các đường gờ bao quanh chạm nổi với hình cánh sen, vân mây hình chiếc khánh. Có thể thấy, vẫn là hình rồng xong người xem lại không hề bắt gặp sự trùng lặp, đơn điệu mà vô cùng sống động. Xen kẽ những bức chạm rồng là những bức chạm nổi đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) tạo nên một bố cục vừa cân đối chặt chẽ nhưng lại rất nổi bật. Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy, các bức chạm rồng và câu đố đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) - minh chứng về sự tài ba của các nghệ nhân Thổ Hà có đôi bàn tay vàng chạm khắc rất công phu, điêu luyện. 

Cửa võng Đình Thổ Hà – đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (Theo quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ) và nhiều sắc phong từ nhiều đời vua. 

Tầng cuối cùng là phần còn lại của Cửa võng nằm ở vị trí từ 2,2m xuống tới nền đình chiều rộng 4,3m tạo thành diềm của chiếc cửa cấm. Diềm cửa với hình ảnh của những chú rồng được chạm với tư thế uốn lượn, chân trước đưa ra vuốt râu. Có các linh thú nhoẻn miệng cười như đang đùa giỡn trông rất ngộ nghĩnh, có tượng một người cởi trần đóng khố hai tay níu ngà voi. Trên những đầu rồng của cửa võng đều được gắn gốm - gốm của làng Thổ Hà xưa. 

Ngoài những mảng trang trí tinh xảo trên từng thớ gỗ, các nghệ nhân dân gian đã lồng ghép thêm các chi tiết trang trí bằng chất liệu gốm. Thông qua chất liệu, kỹ thuật chạm khắc chúng ta có thể thấy đây là sản phẩm của gốm Thổ Hà xưa - một trong những trung tâm gốm sứ nổi tiếng của cả nước có lịch sử lâu đời, phát triển hưng thịnh từ thế kỷ XVII - XVIII. Có thể thấy, hai chất liệu gốm và gỗ đã kết hợp với nhau hài hòa, duy nhất chỉ có cửa võng đình Thổ Hà.

Trải qua 330 năm lịch sử, những mảng chạm khắc vẫn còn nguyên vẹn được nhân dân Thổ Hà từ thế hệ này sang thế hệ khác gìn giữ như sự thiêng liêng nhất, với lòng tôn kính nhất. Hằng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng và 20-8 (âm lịch), các cụ trong làng lại đem lễ vật ra Từ Chỉ để tế lễ, tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền bối.

Thương hiệu bánh đa Thổ Hà

Thổ Hà từng là một thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những đồ gốm thổi hồn từ đất và bàn tay nghệ nhân làng. Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỷ XII và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Theo dòng chảy của thời gian, Thổ Hà lại trở thành làng nghề truyền thống với nghề làm bánh đa nem, bánh đa nướng từ những năm 1990 của thế kỷ trước tới nay.

Những phên bánh xếp ngang dọc tạo cho Thổ Hà một khung cảnh độc đáo và đẹp như một bức tranh. 

Từng con ngõ hẹp đều được người dân tận dụng để phơi bánh, những phên bánh xếp ngang dọc tạo cho Thổ Hà một khung cảnh độc đáo và đẹp như một bức tranh. 

Vừa đặt chân đến đầu làng, tôi đã thấy người dân tấp nập chuyển những mẻ bánh đa ra ngõ phơi kín sân đình, những con ngõ nhỏ để đón nắng sớm của mùa thu. Cả ngôi làng phảng phất một mùi thơm của bột, bếp của nhà ai cũng đỏ lửa, khói ngu‌n ngút.

Ông Trần Quang Liêm chia sẻ: “Khi nghề gốm bị mai một, người dân Thổ Hà chuyển sang nghề làm bánh đa. Ngày trước, bánh đa nem đều được tráng bằng tay, nhờ có công nghệ hiện đại mà thay đổi bằng máy, cả làng có khoảng 900 hộ đang theo nghề”. Theo ông Liêm, ưu điểm của tráng máy chính là bánh được chín đều không bị hỏng bánh. Năng suất cũng được cải thiện rõ ràng, cao gấp 10 lần so với tráng tay.

Với món bánh đa dừa độc đáo của làng Thổ Hà thì cách làm phức tạp hơn nhiều. Cũng từ nguyên liệu là bột gạo tẻ, nhưng phải qua hai lượt tráng: Một lượt tráng bánh không, một lượt tráng chung các nguyên liệu: Vừng, lạc, dừa đã qua sơ chế. 

Bánh đa nem Thổ Hà được làm từ gạo với nhiều công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng bánh và phơi, cắt. Yếu tố thời tiết quyết định không nhỏ đến chất lượng thành phẩm bởi nếu trời mưa bánh sẽ mốc, nắng to bánh dễ nứt. Khác với bánh đa nem, bánh đa nướng được tráng bằng tay, yêu cầu người thợ phải có một đôi tay khéo léo, nhịp nhàng để bánh được tráng sao cho thật đều cả về hình thức lẫn hương vị.

Gần 20 năm gắn bó với bếp than hồng, anh Thạch Hữu Thắng (sinh năm 1976) cho biết: “Mỗi ngày đều đặn, tôi đều ngồi từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều để tráng bánh và nướng. Bánh đa sau khi tráng cần phải phơi dưới nắng khoảng 2 - 3 ngày để khô, ngồi nướng bánh đòi hỏi người thợ phải chịu được sức nóng, nướng đều tay để chín đều. Bánh đa sau khi nướng phải chờ nguội và được đóng gói cẩn thận để bánh không bị vỡ. Nhìn thì đơn giản nhưng mỗi công đoạn làm bánh đều hàm chứa trong đó bao giọt mồ hôi và tấm lòng của người dân Thổ Hà”.

Người thợ làm bánh dùng một ống nứa cuộn chiếc bánh đã tráng xong rải lên tấm phên tre. 

Bánh đa nướng Thổ Hà được nhiều người ưa chuộng và nổi tiếng khắp miền Bắc chính là nguyên liệu độc đáo. Nguyên liệu chủ yếu là gạo, lạc, vừng và dừa. Bánh được tráng hai lần nên dày hơn các loại khác và được nướng vừa đủ giòn và thơm.

 

Những mẻ bánh đa dừa vàng ruộm, giòn tan, khi ăn có vị thơm bùi của vừng, của lạc, béo ngậy của dừa nạo rất hài hòa và chọn vị đã làm nên danh tiếng của làng nghề Thổ Hà bấy lâu nay.

Hiện nay, sản phẩm bánh đa nem ngoài tiêu thụ trong nước, nhiều gia đình làng nghề Thổ Hà đã xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu. Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà sản xuất ra không đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 năm nay cho đến hết tháng 2 năm sau.

Về với Thổ Hà là bước vào một thế giới trầm mặc, phong cảnh hữu tình với cây đa, bến nước, sân đình, là đến với những người con đôn hậu, nhiệt tình, hiếu khách và thưởng thức trọn vẹn tinh túy của đất trời. Trải qua những thăng trầm của thời gian, vùng đất Thổ Hà khi ấy và bây giờ vẫn còn bảo lưu được những di sản văn hóa quý giá như tấm bia, đại sắc của các triều đại, lễ hội truyền thống… Thổ Hà không những kết tinh mà còn tỏa sáng bởi bề dày của văn hóa lịch sử nơi đây mà còn góp phần làm nên bản sắc của quê hương Bắc Giang. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật