Nhiều thủ đoạn tinh vi trong vụ “cạo sạch rừng đầu nguồn”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) lưu vực sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị quản lý, bảo vệ hơn 21,1 nghìn ha rừng. Đây là khu vực có vai trò rất lớn trong bảo vệ môi trường và cuộc sống con người trên địa bàn. Tuy nhiên, trong những năm qua, từ việc đề xuất chuyển đổi, thanh lý, tỉa thưa rừng cho đến giám sát thi công, khai thác rừng này có nhiều biểu hiện tiêu cực, buông lỏng quản lý của chủ rừng.
Nhiều thủ đoạn tinh vi trong vụ “cạo sạch rừng đầu nguồn”
Ảnh minh họa

Năm 2017, BQL RPH lưu vực sông Bến Hải được UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho phép chuyển đổi 1.000ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Theo đó, đơn vị này đã tiến hành thanh lý bằng cách tổ chức bán đấu giá, khai thác trắng rừng này.

Cụ thể, năm 2020 và 2022, BQL RPH lưu vực sông Bến Hải đã tổ chức bán đấu giá, khai thác trắng 4 gói rừng với trên 620ha tại các Tiểu khu rừng 603A và 593 nằm ở khu vực đầu nguồn xã Linh Trường, huyện Gio Linh. Đây là rừng trồng phòng hộ theo Dự án trồng rừng 661 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó đến năm 2017 được UBND tỉnh Quảng Trị chuyển sang rừng sản xuất như đã nêu trên.

Khối lượng gỗ rừng rất lớn được khai thác vận chuyển ra bên ngoài.

Theo hồ sơ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, rừng này được trồng vào những năm 2005, 2006 và 2007, mật độ cây 1.650 cây/ha, mức kinh phí đầu tư 10 – 15 triệu đồng/ha. Cây trồng chủ yếu keo, thông và cây bản địa. Trước đây, rừng này do BQL Dự án 661 Nam Bến Hải tổ chức trồng, quản lý, bảo vệ, sau đó đơn vị này bị giải thể nên chuyển UBND huyện Gio Linh làm chủ rừng. Đến năm 2010, rừng này tiếp tục được bàn giao cho BQL RPH lưu vực sông Bến Hải.

Điều bất thường, rừng được ghi nhận cây lâu năm, phát triển tốt, mật độ cây nhiều nơi khá dày; quá trình quản lý, bảo vệ rừng ở đây, BQL RPH lưu vực sông Bến Hải đã không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến rừng, nhưng khi tiến hành thanh lý, bán đấu giá, khai thác trắng rừng này thì đơn vị trên đo đếm, thống kê hơn 620ha rừng chỉ còn 297,5ha rừng đông đặc(!?).

Lao động làm thuê nấu nướng ngay tại rừng. 

“Quy trình” này tiếp tục được các cơ quan chức năng địa phương thực hiện bằng các bước, cụ thể như: Trung tâm Điều tra quy hoạch thiết kế nông lâm Quảng Trị (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN-PTNT Quảng Trị) khảo sát, thiết kế khai thác rừng, trình Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế. Trong đó, việc kiểm tra thực tế được thực hiện theo phương thức lựa chọn ngẫu nhiên một số lô, khoảnh mà không kiểm tra toàn bộ rừng đem bán đấu giá khai thác bán gỗ.

Tiếp đến, hồ sơ được trình Sở NN-PTNT tỉnh xem xét, phê duyệt, trình Sở Tài chính tỉnh thẩm định, quyết định về giá và trình UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt giá trị gỗ rừng này. Theo đó, 4 gói thầu kể trên chỉ có giá hơn 22,3 tỉ đồng, tức bình quân mỗi ha cây rừng ở đây chỉ 36 triệu đồng (75 triệu đồng/ha đông đặc).

Khai thác theo phương thức chặt trắng và không có giám sát của chủ rừng. 

Một điều bất thường khác, hầu hết các gói thầu được BQL RPH lưu vực sông Bến Hải tổ chức bán đấu giá với giá đấu trúng nhỉnh hơn không đáng kể so với giá phê duyệt ban đầu. dư luận vì thế có nhiều nghi ngờ về “ông chủ rừng” kể trên, mà người đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc BQL RPH này.

Chẳng hạn, khi được đại diện Nhà nước, chính quyền, cơ quan chức năng liên quan, làm chủ rừng, chủ sở hữu tài sản của Nhà nước, có trách nhiệm và thẩm quyền cao nhất trong việc định giá tài sản do mình quản lý theo hướng có lợi nhất cho Nhà nước, nhưng BQL RPH lưu vực sông Bến Hải đã không làm như thế, mà làm một cách khó hiểu, nhất là khâu khảo sát, báo cáo số lượng cây rừng trên diện tích thanh lý…

Báo CAND đã có bài phản ánh về tình trạng cạo sạch rừng đầu nguồn xã Linh Trường do BQL RPH lưu vực sông Bến Hải làm chủ rừng. Tại đây, thực tế cho thấy mật độ cây rừng khá đều và dày; thân cây to và cao, đa số cây có đường kính gốc 40cm. Việc khai thác, đốn hạ cây rừng khi PV Báo CAND có mặt suốt buổi sáng 17/8 là không có sự kiểm tra, giám sát của đơn vị chủ rừng.

Rừng thân cây cao, to và mật độ khá dày. 

Bên cạnh các loại xe ô tô tải, xe ủi, xe cẩu, có khá đông người dựng lều lán, nấu nướng bằng lửa, củi rừng; ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi ngay tại những vùng rừng đang khai thác. Điều này hoàn toàn trái với quy định do Sở NN-PTNT Quảng Trị đã yêu cầu ngay tại Văn bản số 1513 và các văn bản tương tự gửi Sở Tài chính tỉnh này về phương án khai thác gỗ rừng kể trên.

Năm 2012, Báo CAND đã từng có loạt tin, bài điều tra, phản ánh tình trạng khai thác gỗ rừng tương tự kể trên. Theo đó, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên quan của địa phương đã tích cực vào cuộc điều tra, khởi tố, truy tố các bị can do bán rẻ rừng Nhà nước ra trước TAND huyện Gio Linh và xử lý theo đúng quy định Pháp Luật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật