Đồng cảm với người giữ rừng trên Tây Nguyên

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nghề báo cho chúng tôi được đi đây, đi đó nhiều. Trong đó, câu chuyện người lao động vất vả, khổ cực, thậm chí phải đổ máu, mang thương tật để giữ rừng là điều khiến chúng tôi đau đáu nhất. 
Đồng cảm với người giữ rừng trên Tây Nguyên
Phóng viên Báo Lao Động có những chuyến vào rừng để ghi nhận thực tế. Ảnh: T.Q.

Từ cảm nhận cuộc sống của "người rừng"

Người làm trong ngành lâm nghiệp Tây Nguyên được ví như "người rừng". Bởi họ thường xuyên phải sống trong cảnh tối tăm, khắc nghiệt của "chốn rừng thiêng nước độc". Thế nên, cũng dễ hiểu khi có sự so sánh đây là nghề “ăn cám” để giữ vàng. 

Để cảm nhận được sự cơ cực của cán bộ ngành lâm nghiệp, một ngày cuối năm 2021, trong cái rét tê tái của mùa đông tràn về, chúng tôi đã theo chân các cán bộ của Vườn Quốc gia Tà Đùng, thực hiện cuộc tuần tra kéo dài cả tuần lễ ở chốn rừng thiêng, nước độc.

Trước khi xuất phát, mỗi người chỉ mang theo bộ quần áo, bạt, võng,  nồi niêu, vài ký gạo, cá khô, mì tôm, ít chai nước lọc… Vừa ra khỏi đơn vị, đã phải đối mặt với những cơn gió buốt như muốn cắt da, cắt thịt. Thế nhưng, chỉ cần di chuyển vài trăm mét thì mọi người đều phải đổ mồ hôi.

Mục tiêu tuần tra rừng chủ yếu là quan sát những đường mòn, lối mở, để sớm phát hiện dấu vết lâm tặc vận chuyển gỗ hay không. Vất vả và nguy hiểm nhất phải kể đến việc thường xuyên trèo đèo, lội suối, vượt qua vực thẳm. Chỉ cần mất tập trung hay không may trượt chân thì người tuần tra rừng rất dễ bị tai nạn thảm khốc.  

Ở nơi "rừng thiêng, nước độc", với những cán bộ quản lý bảo vệ rừng nơi đây thì họ rất quen thuộc với những bữa cơm ăn vội giữa rừng, sống trong bóng tối, vắt rừng, muỗi đói, đua nhau tấn công. Với họ, công việc bất kể ngày đêm, luôn phải trong tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Thực lòng mà nói, nếu không yêu rừng, yêu công việc thì khó có thể bám trụ.

Công việc vất vả, khổ cực nhưng người lao động trong ngành lâm nghiệp không được trả công tương xứng. Do đó, đã có rất nhiều người lao động như: Kiểm lâm, cán bộ quản lý bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc hàng loạt. 

Người lao động giữ rừng ở Tây nguyên thường xuyên phải giáp mặt với nguy hiểm nhưng chế độ lương thưởng thì hết sức bèo bọt. Ảnh: D.P.

Đến kiến nghị cải cách chính sách của tỉnh Đắk Lắk

Người làm nghề quản lý, bảo vệ rừng ồ ạt nghỉ việc, sinh viên theo học lâm nghiệp ở Đại học Tây Nguyên cũng không còn… Điều này thấy cuộc chiến giữ rừng ở Tây Nguyên không hề bớt cam go.

Trao đổi về câu chuyện này, ông Nguyên Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, đời sống của anh em quản lý bảo vệ rừng rất là khổ sở, phải ăn ở, sinh hoạt ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, không có sóng điện thoại, môi trường nguy hiểm.

Hiện nay, Nhà nước chưa cấp đủ kinh phí để thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trong giai đoạn đóng cửa rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Cụ thể, Nhà nước chưa có chính sách đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên nghèo (theo Nghị quyết số 30-NQ/TW) cho các đơn vị chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, các đơn vị sự nghiệp được giao rừng sản xuất, các doanh nghiệp cho thuê rừng tự nhiên sản xuất...

Thực tế, Chính phủ mới chỉ có chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14.9.2016 với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/ha/năm.

Mức hỗ trợ này là quá thấp so với nhu cầu thực tế, không đảm bảo để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng. Khi lực lượng bảo vệ rừng mỏng, yếu, chế độ rất thấp, dẫn đến nhiều diện tích rừng bị chặt phá trái phép là điều khó tránh khỏi.

Nếu so với định mức quản lý bảo vệ rừng theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BNN ngày 6.7.2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định mức kinh tế kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng, trong điều kiện bảo vệ bình thường là 7,28 công/ha/năm. Khi đó, kinh phí bảo vệ rừng tương đương gần 1,3 triệu đồng/ha/năm.

Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định quy định cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách Trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật