Tấm phao cứu sinh cuối cùng của người tài xế nghèo bị xe đè gãy chân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vết thương ở cẳng chân trái liên tục bị nhiễm trùng khiến anh Hải, tài xế xe ba gác phải nằm viện điều trị dài ngày. Chỗ xương bị gãy còn đang đợi để ghép mà gia đình đã kiệt quệ.
Tấm phao cứu sinh cuối cùng của người tài xế nghèo bị xe đè gãy chân
Anh Hải từng phải trải qua ca phẫu thuật cắt phần da đùi để đắp vào vùng vết thương hở thấu xương cẳng chân trái.

Một ngày giữa tháng 6, thời tiết oi nồng bức bối như sắp có mưa giông lớn. Không khí đặc quánh pha lẫn với mùi đặc trưng trong phòng bệnh khiến người ta càng thêm ngộp thở. Thời tiết thay đổi khiến chân trái của anh Trần Quốc Hải (50 tuổi) lại nhói lên từng cơn, đau điếng. Người đàn ông cắn răng, tay phải nắm chặt song cửa sổ sát giường bệnh, cố không bật ra tiếng.

Một lúc sau, cơn đau tạm thời dịu đi, anh mới nở nụ cười khổ sở, giãi bày: “Nhiều lần đau đến nỗi đang ngủ tôi cũng phải tỉnh dậy. Một đêm cộng lại chắc chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng. Cũng đã hơn 2 tháng rồi, tôi không biết đến khi nào mới khỏi được”.

Anh Hải quê ở Tiền Giang, làm chủ một cửa tiệm sửa xe đạp nho nhỏ. Là lao động chính trong nhà, tiền kiếm được từ nghề sửa xe chẳng đủ sống nên mỗi ngày, anh còn tranh thủ đi chạy xe ba gác chở hàng cho người ta để kiếm thêm đồng ra đồng vào, đặng lo cho con trai vừa bước chân vào đại học. Mới 50 tuổi nhưng cuộc sống vất vả khiến mái tóc anh đã ngả màu bạc.

Chiều muộn ngày 15/3, sau khi chở hàng cho khách, trên đường về nhà không may bị sập ổ gà, chiếc xe ba gác lật ngang, đè lên chân trái của anh. Ngoài vết thương mất cả tảng da nhìn thấu xương, anh còn bị gãy hở xương cẳng chân mức độ nghiêm trọng.

Anh Hải cố bật dậy vì quá đau đớn.

Từ bệnh viện ở Tiền Giang, anh Hải được chuyển lên bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình, điều trị tại đây 6 ngày thì được chuyển sang bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp. Đến nay, đã hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa biết ngày về.

Do vết thương hở bị nhiễm trùng, anh Hải đã phải trải qua 2 ca phẫu thuật điều trị nhưng vẫn chưa ổn định. Bác sĩ Lê Hoàng Lưu, Khoa Ngoại Chỉnh hình cho biết, hiện tại các bác sĩ đang điều trị phần mềm bằng các cách cắt lọc mô hoại tử, xoay vạt da che xương và ghép da. Xương cẳng chân trái của anh Hải đã được đặt cố định ngoài, đợi khi điều trị ổn định vết thương phần mềm thì sẽ tiến hành phẫu thuật ghép xương bị gãy.

Theo bác sĩ Lưu, anh Hải còn phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật trong quá trình điều trị, chi phí tốn kém. Không chỉ vậy, anh còn phải mất khoảng 1 năm để chân trái bình phục, sau đó mới có thể đi làm trở lại.

Bác sĩ Khoa Ngoại chỉnh hình dự kiến, anh Hải sẽ còn phải điều trị lâu dài.

Anh Hải buồn so: “Cha tôi mới mất trước khi bị tai nạn hơn 10 ngày. Chúng tôi vừa lo xong xuôi cho ông đã xảy ra chuyện. Tiền bạc dành dụm được chút đỉnh thì chỉ mấy ngày đã cạn sạch rồi. Nằm viện dài, lại phải phẫu thuật nhiều, tiền ra đi nhanh quá. Chúng tôi nghèo, người thân cũng nghèo nên chẳng có ai mà dựa lúc này”.

Gia tài của họ là chiếc xe ba gác lúc này còn chưa rõ hư hỏng ra sao. Tiệm sửa xe nhỏ cũng đã đóng cửa dài ngày. Đứa con trai lớn đi làm công nhân, tiền lương ít ỏi chỉ đủ tự lo cho bản thân, còn con trai út của họ mới vào năm nhất đại học, chẳng làm gì ra tiền.

Suốt 2 tháng ở bệnh viện chạy vạy chăm chồng, chị Phượng (đang ngồi) cũng kiệt quệ cả thể lực lẫn tinh thần.

Hơn 2 tháng nay, để có tiền điều trị, vợ chồng anh ở bệnh viện phải gọi điện vay mượn khắp họ hàng, người quen. Chị Phượng còn phải giấu chồng xin người ta cho chung hụi để có tiền tiếp tục điều trị, nhưng đến nay, họ cũng đã cùng đường. Chỉ 2 tháng ngắn ngủi mà tiền nợ đã gần 100 triệu đồng.

Vợ chồng anh Hải đã hết đường xoay sở, họ đành cầu cứu bạn đọc Báo như một tấm phao cứu sinh cuối cùng có được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật