Vì sao ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở Mỹ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số ý kiến cho rằng vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc không phải “đòn chí mạng” với quan hệ Mỹ - Trung và hai nước có thể lựa chọn sang trang mới.
Vì sao ông Biden ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với phóng viên tại sân bay Hagerstown, Maryland, ngày 4/2. Ảnh: Reuters.

Tờ Politico nhận định lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden hôm 4/2 là một đòn giáng mạnh vào mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đang đi xuống trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây không hẳn là một đòn chí mạng.

Mỹ và Trung Quốc đã trải qua nhiều căng thẳng với những vấn đề trên eo biển Đài Loan và hoạt động gián điệp công nghệ cao. Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ có tâm lý chiến tranh Lạnh và tìm cách hạn chế Trung Quốc về kinh tế, quân sự. Song hai nước vẫn tìm cách cải thiện quan hệ.

Thời điểm không mong muốn

Sự cố mới nhất - với chuỗi tin tức về khinh khí cầu Trung Quốc hiện diện trong không phận Mỹ và video trực tiếp ghi lại cảnh bắn hạ - đang khiến nhiều người Mỹ cảnh giác hơn.

“Đây là một cú hích khá lớn đối với lòng tin (của công chúng) trong quan hệ Mỹ - Trung. Hoạt động gián điệp của Trung Quốc chưa bao giờ là trọng tâm trong nhận thức của công chúng Mỹ”, Lyle Morris, cựu Giám đốc về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho hay.

Trước mắt, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa (GOP) đang lập luận rằng Tổng thống Joe Biden cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cũng có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, khi gọi vụ xâm nhập khinh khí cầu là “vi phạm chủ quyền rõ ràng” và “không thể chấp nhận được” trong một cuộc họp báo hôm 3/2.

Tuy nhiên, vụ việc có thể sẽ chỉ gây thêm trở ngại cho mối quan hệ song phương, thay vì ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bất chấp những luận điệu chính trị tràn lan về việc hạn chế liên kết kinh tế, hai nước phụ thuộc lẫn nhau và khó có thể lựa chọn hạ thấp mạnh mẽ quan hệ song phương. Cả chính quyền ông Biden và các quan chức cấp cao Trung Quốc gần đây đều nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, trong lịch sử, các sự cố khác giữa Mỹ và Trung Quốc từng làm xáo trộn mối quan hệ cuối cùng cũng phai nhạt dần.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã nỗ lực giảm bớt căng thẳng với Washington. Chính phủ Trung Quốc chuẩn bị chào đón chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Song chuyến thăm đã bị hoãn sau khi khinh khí cầu bị phát hiện.

Politico cho rằng thời điểm diễn ra vụ việc khiến cả hai bên bối rối, do đó Trung Quốc cũng sẽ có phản ứng hạn chế. Trên thực tế, Bắc Kinh đã thể hiện mong muốn ngăn sự xuất hiện của khinh khí cầu làm rạn nứt thêm quan hệ hai nước.

Trong một tuyên bố hôm 3/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lấy làm tiếc trước việc khinh khí cầu Trung Quốc bay trên không phận Mỹ. Bắc Kinh coi đây là sự cố bất khả kháng, khẳng định đây là khinh khí cầu dân sự và mang mục đích nghiên cứu.

Nhà Trắng cũng có cách tiếp cận thận trọng. Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre cho biết khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự nhưng gọi sự hiện diện của nó là “vi phạm chủ quyền”. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ không cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về vị trí của thiết bị này, theo New York Times.

Trong khi đó, ông Biden cho biết đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu “càng sớm càng tốt” từ ngày 1/2. Tuy nhiên, các nhà chức trách quyết định đợi cho đến khi vật thể bay đến vùng biển để tránh “gây thiệt hại trên mặt đất”, theo CNN.

Ông Biden không trả lời câu hỏi về việc quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia đối ngoại dự đoán cả Bắc Kinh và Washington sẽ cố gắng giảm thiểu hậu quả.

Thận trọng

“Chính quyền Biden đã báo hiệu rằng họ sẽ tìm cách dời lại chuyến thăm của ông Blinken khi điều kiện cho phép”, ông Daniel Russel, cựu quan chức cấp cao về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là người có quan hệ mật thiết với các trợ lý của ông Biden, lưu ý.

“Nếu (quyết định bắn hạ) khép lại vụ việc, hai bên có thể quay lại làm việc. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chọn đóng vai nạn nhân hoặc trả đũa, chúng ta có thể thấy tình hình leo thang trở lại”, ông nói.

Nếu Mỹ thu hồi mảnh vỡ của khinh khí cầu và chứng minh rằng đó là một thiết bị gián điệp chứ không phải thiết bị theo dõi thời tiết, điều đó có thể khiến Trung Quốc khó xử.

Ông Biden có thể sử dụng những mảnh vỡ này “như một con bài mặc cả trong các cuộc thảo luận riêng”, Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết.

Hai máy bay Mỹ bay xung quanh khinh khí cầu, nhìn từ Nam Carolina. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc có lịch sử khôi phục quan hệ sau những sự cố rạn nứt khiến đối phương phẫn nộ.

Chẳng hạn, vào ngày 7/5/1999, một chiến dịch không kích của NATO do Mỹ lãnh đạo đã ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và 20 công dân nước này bị thương.

Mặc dù Mỹ khẳng định vụ đánh bom là một sai lầm, cho đến nay, nó vẫn là nguyên nhân gây cảm giác nhức nhối ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ việc đã không ngăn cản những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Về vấn đề Đài Loan, ông Biden nhiều lần nói rằng chính quyền Mỹ sẽ điều động quân đội đến giúp đỡ hòn đảo, dù chính sách chính thức của Mỹ mơ hồ hơn.

Và khi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, tiến hành diễn tập quân sự bắn đạn thật xung quanh hòn đảo. Bắc Kinh cũng đình chỉ một số cuộc đối thoại quân sự song phương và các nỗ lực chung.

Tuy nhiên, 3 tháng sau, Tổng thống Biden đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, và cả hai cam kết cố gắng giảm bớt căng thẳng, “xử lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm”.

Song sự cố khinh khí cầu có khả năng kéo theo phản ứng mạnh mẽ tại Đồi Capitol. “Quốc hội Mỹ gần như chắc chắn sẽ tổ chức các phiên điều trần về phản ứng của chính quyền và đặt ra những câu hỏi quan trọng về tính hiệu quả của chính sách Trung Quốc dưới thời ông Biden”, Craig Singleton, thành viên cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức Foundation for Defense of Democracies, nhận định.

Khả năng ông Blinken tiếp tục chuyến đi đến Trung Quốc cũng là câu hỏi lớn. “Mục tiêu của chuyến đi là (cải thiện) mối quan hệ và khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng vì lợi ích chung”, một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề cho biết.

Tuy nhiên, khinh khí cầu này “sẽ chi phối tất cả cuộc thảo luận”, quan chức này nói. “(Do đó), tốt hơn là hoãn lại trong một thời gian”.

Hủy

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật