Lãnh đạo Bộ Y tế dâng hương tưởng niệm 232 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 5/2 (tức Rằm Tháng giêng năm Quý Mão) tại Hưng Yên, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 232 năm ngày mất của ông tại Khu tưởng niệm xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Lãnh đạo Bộ Y tế dâng hương tưởng niệm 232 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cùng các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Lãnh đạo huyện Yên Mỹ, các đơn vị thuộc/ trực thuộc Bộ Y tế, ngành y tế Hưng Yên, Hà Nội và các địa phương lân cận cùng đông đảo nhân dân thành kính tưởng nhớ cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. (Ảnh: Thái Bình)

Về phía Bộ Y tế có Bộ trưởng Đào Hồng Lan; các đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Lê Đức Luận cùng Lãnh đạo các Vụ/Cục/Văn phòng/thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ.

Về phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa – Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; đồng chí Trần Quốc Toản – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo huyện Yên Mỹ.

Tại buổi Lễ, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Y tế và các thành viên trong Đoàn; lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên đã thành kính dâng hương tri ân, tưởng nhớ tới cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, người đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển nền Y học cổ truyền nước nhà. Ông là một tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho các thế hệ thầy thuốc noi theo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh dâng hương tưởng nhớ Đại danh Y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Hữu Thanh

Tại lễ dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, đại diện Lãnh đạo huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp to lớn của Đại danh y và nhấn mạnh những đóng góp to lớn của Đại danh y đối với nền y học Việt Nam.

Đại danh y Hải Thượng Lãn ông tên thật là Lê Hữu Trác. Ông là con thứ bảy của một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Thuở nhỏ, ông theo cha học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả nho, y, lý, số…

Ông là người học cao hiểu rộng nhưng đã từ quan về để học hành nghề y, dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp "trị bệnh, cứu người".

Cuộc đời của Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả, đức hy sinh nhẫn nại, tận tâm, lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học Việt Nam, là tấm gương sáng về y đức - y đạo - y thuật cho muôn đời noi theo.

Ông luôn tâm niệm: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi kể công". Ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện tâm niệm của mình.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nghe ông Lê Nam - nguyên Giám đốc viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác chia sẻ các câu chuyện về thân thế cuộc đời sự nghiệp của Đại danh Y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Thái Bình

Ông đã sưu tầm phát hiện thêm hơn 300 vị thuốc nam (Lĩnh Nam bản thảo), tổng hợp thêm 2854 phương thuốc kinh nghiệm phổ biến cho nhân dân. Trong cuộc đời làm thuốc, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y học cổ truyền Việt Nam, để lại cho hậu thế những di sản vô giá thể hiện trong bộ sách "Y Tông Tâm Lĩnh" gồm có 28 tập, 66 quyển.

Đại danh y Hải thượng Lãn ông luôn chú trọng đến việc xây dựng y đức của người thầy thuốc, ông đã để lại những lời răn và chỉ ra 8 tội người thầy thuốc cần tránh như: "Có bệnh xem xét đã rồi mới cho thuốc, vì ngại đêm mưa vất vả không chịu thăm mà đã cho phương đó là tội lười". "Khi thấy bệnh chết đã rõ, không bảo thực lại nói lơ mơ để làm tiền đó là tội tham lam"…

Đặc biệt Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã đề ra 9 điều trong "Y huấn cách ngôn" để răn dạy về đạo của người thầy thuốc mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nghe đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm y dược học cổ truyền báo cáo về hoạt động của đơn vị tại triển lãm trong khu di tích Đại danh y Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Thái Bình

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên trong đoàn Bộ Y tế đã dâng hương tại Y miếu Thăng Long, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội, nơi thờ phụng Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác cùng các Liệt vị danh y Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Lãnh đạo các Vụ/ Cục/ viện/Văn phòng/ thanh tra Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế dâng hương tại Y miếu Thăng Long, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội, nơi thờ phụng Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác cùng các Liệt vị danh y Việt Nam. Ảnh: Trần Minh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật