“Gửi” tiếng Anh đến cao nguyên đá Mèo Vạc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Học trò chạy ùa tới ôm tôi. Tôi không ngờ bấy lâu chỉ gặp qua màn hình nhưng các em lại yêu tôi như vậy’, cô Quỳnh Anh kể lại giây phút gặp những học trò ở Mèo Vạc mà cô dạy tiếng Anh trực tuyến.
“Gửi” tiếng Anh đến cao nguyên đá Mèo Vạc
Những đứa trẻ ở Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: VĨNH HÀ

Hơn 20 cô giáo trẻ trong dự án dạy học trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại 18 trường tiểu học ở Mèo Vạc (Hà Giang), do Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) tổ chức vừa có một chuyến đi đặc biệt sau khi kết thúc học kỳ 1 của năm học vào những ngày giáp Tết.

Lần đầu tiên, họ gặp mặt học trò ở những ngôi trường nằm sâu trên cao nguyên đá sau hàng trăm tiết dạy trực tuyến.

Xóa nhòa khoảng cách

6h sáng, trong cái lạnh buốt của vùng cực Bắc, những tiếng gọi nhau xôn xao "Cô Minh Hồng đâu?", "Cô Trang đi xe nào?". Các cô giáo được xe của huyện đón nhưng cũng có cô phải đi xe máy do các thầy, cô giáo ở Mèo Vạc hoặc người dân địa phương cầm lái. Nhiều cô trong số này đã dạy trên 200 tiết trực tuyến suốt học kỳ 1 nhưng đây là lần đầu tiếp xúc với học trò.

Cô Nguyễn Minh Hồng phụ trách dạy năm lớp 3 ở Trường phổ thông dân tộc nội trú tiểu học Sơn Vĩ - ngôi trường xa nhất ở Mèo Vạc, cách trung tâm huyện 52km - kể lại lần đầu tiên cô có được trải nghiệm trên một cung đường dài lên dốc, xuống dốc, vòng vèo giữa đá núi lởm chởm, những đoạn đường gồ ghề xóc tưởng bật ra khỏi xe khiến cuộc gặp học trò trở nên đặc biệt hơn. Trước đó, cô Hồng cùng đồng nghiệp đã từ Hà Nội vượt gần 400km để đến được trung tâm huyện Mèo Vạc.

Cô Hồng cũng như các đồng nghiệp ngoài việc giao lưu với học trò thì tranh thủ dạy một tiết trực tiếp hoặc có các hoạt động để giúp học sinh tương tác tốt hơn với giáo viên sau khi trở lại hình thức dạy học trực tuyến. Nhưng cô Hồng còn có một trải nghiệm khác là đi chợ phiên với học trò. 

"Bọn trẻ ban đầu khá rụt rè nhưng sau đó thì bắt đầu cởi mở. Đặc biệt các em đều thích nắm tay cô giáo. Có em không nói gì, chỉ nắm chặt tay cô như một cách bộc lộ tình cảm", cô Hồng kể lại.

Cô Quỳnh Anh, giáo viên đảm nhiệm dạy trực tuyến cho năm lớp 3 ở Trường phổ thông dân tộc bán trú Sùng Trà, thì đã khóc rất nhiều khi nhớ lại giây phút gặp học trò ngoài đời. 

"Học trò chạy ùa tới ôm tôi, tôi chưa bao giờ có cảm xúc khó tả đến vậy. Tôi không ngờ bấy lâu chỉ gặp các em qua màn hình nhưng các em lại yêu tôi như vậy. Sau sự xúc động là cảm giác thương các em vô cùng vì các em nhỏ bé quá so với tôi hình dung khi dạy trực tuyến" - cô Quỳnh Anh nhớ lại.

Còn cô Nguyễn Thị Nga là một trong hai cô giáo đảm nhiệm dạy tiếng Anh trực tuyến ở Trường phổ thông dân tộc bán trú Xín Cái lại có một trải nghiệm khác khi cô được phân công đến trường khác vì giáo viên đảm nhiệm dạy trực tuyến ở trường này không thể tham gia chuyến đi. Không gặp được học trò ở Trường Xín Cái nhưng học trò ở đây gửi về cho cô một tập thư viết tay và những bức tranh vẽ tặng cô. 

Bức thư của em Giàng Thị Và viết: "Cô ơi, cô đã hẹn với chúng em là cô sẽ đến nhưng cô lại không đến được. Chúng em mong cô từng ngày. Chúng em yêu cô rất nhiều". Cuối thư cô bé viết bằng tiếng Anh "My name is Va". 

Cô Nga nói bức thư này sẽ cho cô thêm động lực để tiếp tục gắn bó với học trò và chắc chắn cô sẽ quay lại Mèo Vạc để gặp lại học trò của mình như lời hẹn.

Cùng nhau vượt khó

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn, cho biết để học sinh lớp 3 ở Mèo Vạc có điều kiện đáp ứng yêu cầu của chương trình mới và được học các môn tiếng Anh, tin học, các em phải được tập hợp về trường chính thay vì học ở hàng chục điểm lẻ khác trong các thôn bản xa xôi.

"Có nhiều học sinh phải vượt qua chặng đường 15-20km, có em xa nhất tới 25km. Các em trở về nhà vào cuối tuần, có thể có cha mẹ đưa đến trường trở lại nhưng nhiều khi chỉ được một đoạn ngắn, có em đi bộ từ nhà. Để đến kịp buổi học, các em không đi đường chính mà đi tắt nên phải leo trèo rất nhiều, từ lúc trời còn tối. Mùa đông có nhiều ngày nhiệt độ xuống rất thấp, sương mù dày đặc...", cô Tâm kể tóm tắt những khó khăn của học trò trên cao nguyên đá.

Nhưng có những khó khăn nằm ngoài nỗ lực của thầy cô và học sinh vùng cao, nhất là việc dạy tiếng Anh. "Học sinh rất ngoan nhưng để dạy trực tuyến khi các em quá rụt rè, có em còn chưa thạo tiếng Việt là rất khó. Chưa kể có những khác biệt về văn hóa khiến giáo viên phải rất nhẫn nại" - cô Đặng Thị Quỳnh Trang, đảm nhiệm dạy cho học sinh Trường Tà Lùng, nói.

Cô Trang kể chỉ riêng việc giải thích cho học sinh hiểu các từ vựng chỉ các vật dụng thông thường như cái tivi, cái bàn ăn, cái bếp hay cái giường... cũng mất nhiều thời gian vì đơn giản là các em chưa thấy những thứ này bao giờ (không có tivi, chưa bao giờ ngủ trên giường - PV). Vì thế, trong các giờ học tiếng Anh, giáo viên chủ nhiệm tại các trường ở Mèo Vạc cũng phải ngồi dự để nắm nội dung, đồng thời hỗ trợ khi giáo viên tiếng Anh cần đến.

"Chúng tôi phải liên tục nghĩ ra cách soạn bài, các hoạt động để kéo học sinh tham gia, tương tác với cô giáo. Phương thức dạy học cũng phải thay đổi liên tục và tăng cường sử dụng tranh, ảnh, phim hoạt hình, video, vừa để trẻ làm quen với "thế giới mới" vừa tạo hứng khởi cho các em" - cô Vũ Nhất Nhất chia sẻ.

Chính vì thế, những tiến bộ dù nhỏ nhất của học trò cũng là niềm vui của các thầy cô. Vậy mà theo cô Minh Tâm, kết quả học kỳ 1 của học sinh rất bất ngờ khi nhiều em đạt kết quả tốt. "Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh có giáo viên tại Mèo Vạc được cử từ trường THCS xuống nên kết quả này rất đáng tin cậy" - cô Tâm nói.

Dự án có một không hai

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên học sinh lớp 3 học chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ học tiếng Anh bắt buộc (trước đây đó là môn học tự chọn). Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3 nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Ở Mèo Vạc dù đã tăng mức lương hợp đồng với giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn không tuyển được.

Phòng giáo dục huyện dự định tập trung học sinh lớp 3 toàn huyện để bố trí giáo viên THCS xuống tiểu học dạy trực tuyến nhưng bộc lộ ngay nhiều bất cập cả về phía giáo viên và học sinh.

Ông Bùi Văn Thư cho hay đang trong lúc bối rối thì ông gặp thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), qua chương trình thiện nguyện của thầy trò nhà trường. Nhưng sau cái gật đầu nhận hỗ trợ từ thầy Khang là những đêm dài mất ngủ, trăn trở vì dạy tiếng Anh theo chương trình chính khóa không hề đơn giản, thậm chí khác xa với kiểu dạy "tăng cường", dạy "xóa mù chữ".

Ban đầu dự án dự định mỗi trường ở Mèo Vạc tổ chức một lớp trực tuyến nhưng không ổn vì toàn trường thì sĩ số quá đông. "Cuối cùng chúng tôi quyết định chia nhỏ lớp để dạy trực tuyến và buộc phải tuyển bổ sung giáo viên chuyên trách dạy cho Mèo Vạc", thầy Khang chia sẻ.

Vậy là 22 giáo viên trẻ, người đã đi làm, người còn là sinh viên năm cuối ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm tiếng Anh được tuyển vào dự án. Để thực hiện được công việc không dễ dàng, không chỉ "giữ người" bằng mức lương thỏa thuận mà còn bằng sự lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy nhiệt huyết của các thầy, cô giáo trẻ. Nói như thầy Nguyễn Xuân Khang là "cần một trái tim ấm nóng".

Với thời lượng 3 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, Trường Marie Curie đã hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 3 các trường Mèo Vạc với số tiết là 7.980 tiết/năm học.

Cô giáo có thật

"Chúng tôi từng rất lo bọn trẻ nghĩ rằng cô giáo tiếng Anh không phải người thật mà chỉ là cô giáo trên tivi. Chính vì thế, cuộc gặp với học sinh có rất nhiều ý nghĩa với bọn trẻ. Nhưng tình cảm trong trẻo, sự mong mỏi và tin tưởng của bọn trẻ cũng là món quà quý giá đối với chúng tôi" - cô Quỳnh Trang, một giáo viên, chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thư - trưởng Phòng giáo dục huyện Mèo Vạc, nói rằng việc tổ chức các lớp học trực tuyến này có ý nghĩa rất lớn giúp các trường ở Mèo Vạc bước qua khó khăn đầu tiên.

Hơn thế nữa, sợi dây yêu thương giữa các cô giáo miền xuôi với học trò vùng cao là một câu chuyện đẹp, lan tỏa năng lượng tích cực khi việc dạy và học ở huyện miền núi biên giới này vẫn còn vô vàn khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật