Cận cảnh hầm đường bộ dưới lòng sông đầu tiên của Bangladesh

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầm giao thông dưới lòng sông đầu tiên của Bangladesh sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2023 sau khi hoàn tất một số hạng mục xây dựng cuối cùng.
Cận cảnh hầm đường bộ dưới lòng sông đầu tiên của Bangladesh
Đường hầm Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman được xây dựng dưới lòng sông Karnaphuli tại thành phố Chittagong, Bangladesh.

Đường hầm Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman được xây dựng dưới lòng sông Karnaphuli tại thành phố Chittagong, Bangladesh và kết nối bờ tây với bờ đông của con sông.

Đường hầm được xây dựng ở độ sâu 18-31m dưới lòng sông Karnaphuli. Tổng chiều dài của dự án đường hầm là 9,3km, tốc độ lưu thông của phương tiện qua hầm theo thiết kế là 80km/h.

Công ty China Communication Construction của Trung Quốc là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng đường hầm và đã triển khai hơn 800 công nhân tham gia dự án. Một phần vốn xây dựng hầm do Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc hỗ trợ. Ước tính chi phí xây dựng hầm đã lên tới 1,1 tỷ USD.

Theo báo cáo tiến độ dự án vào tháng 10, công tác xây dựng hầm đang bước vào giai đoạn cuối cùng, bao gồm hoàn tất lắp đặt đèn, máy bơm, hệ thống điện, thông gió…

Trong chuyến thị sát công tác xây dựng hầm vào ngày 25/11, ông Ahmad Kaikaus - Thư ký của Thủ tướng Bangladesh, cho biết khi đi vào hoạt động vào cuối tháng 1/2023, đường hầm sẽ hỗ trợ giảm tắc nghẽn giao thông cũng như thúc đẩy hoạt động kinh tế ở hai bên bờ sông Karnaphuli. Ngoài ra, đường hầm cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường cao tốc xuyên Á, hỗ trợ kết nối Bangladesh với các nước láng giềng.

Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng cho rằng khi đi vào hoạt động, đường hầm sẽ hỗ trợ thúc đẩy kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp trong khu vực và góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Bangladesh trên trường quốc tế.

Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming nhận định đường hầm sẽ hỗ trợ hoạt động giao thông tại địa phương cũng như kết nối giữa Bangladesh với các quốc gia láng giềng, thể hiện vai trò chủ chốt của Bangladesh trong kết nối khu vực cũng như là một trung tâm trong các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Theo một khảo sát vào năm 2013 trước khi đường hầm được khởi công xây dựng, khoảng 6,3 triệu phương tiện có thể lưu thông qua đường hầm mỗi năm, tương đương khoảng 17.260 phương tiện di chuyển qua hầm mỗi ngày.

Số phương tiện lưu thông qua hầm sẽ tăng dần mỗi năm. Con số này tăng lên 37.946 phương tiện/ngày vào năm 2030 và 162.000 phương tiện/ngày vào năm 2067.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật