Quảng Nam: Có vốn ưu đãi tiếp sức, nông dân Hội An khấm khá nhờ nuôi tôm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mà ông Trần Văn Vinh (SN 1968) ở thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạc trên cát, từ đó gia đình ông có cuộc sống khá giả, thu lãi mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Quảng Nam: Có vốn ưu đãi tiếp sức, nông dân Hội An khấm khá nhờ nuôi tôm
Được vốn ưu đãi tiếp sức, ông Trần Văn Vinh ở thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Hậu.

Có của ăn của để nhờ nuôi tôm

Trò chuyện cùng phóng viên Etime, ông Vinh chia sẻ: Trước đây vợ chồng ông bươn chải đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm đó, sau đó chuyển sang nghề nuôi tôm, nhưng do vốn ít ông chỉ nuôi với diện tích 500m2.

Năm 2020, ông được Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An cho vay 50 triệu đồng, từ đó ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi, mô hình nuôi nuôi tôm ngày càng phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, ông lấy số tiền lãi thu được đầu tư mở rộng trang trại.

Đến nay, trang trại nuôi tôm của gia đình ông Vinh có diện tích hơn 4.000m2, với 4 ao nuôi. Sản lượng mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng hơn 5 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình ông lãi gần 200 triệu đồng.

"Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn của NHCSXH, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn để mở rộng quy mô trang trại nuôi tôm của gia đình. Mặc dù mới mở rộng quy mô hơn 2 năm nay, nhưng gia đình tôi đã có của ăn của để, nuôi 3 đứa con ăn học…", ông Vinh vui mừng nói.

Mỗi năm ông Vinh xuất bán khoảng hơn 5 tấn tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Trần Hậu.

Chia sẻ kinh nghiệm về nghề nuôi tôm của mình, ông Vinh cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt từ đơn vị cung cấp giống có uy tín. Trong khâu chăm sóc thì phải chú trọng khoảng thời gian 1 tháng đầu vì đây là lúc tôm nhỏ, sức đề kháng yếu, dễ dịch bệnh do thay đổi môi trường sống, thức ăn, nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước để có vấn đề gì thì xử lý cho kịp thời.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng nên chú ý đến mật độ thả, phải đảm bảo phù hợp với mức độ đầu tư cơ sở vật chất, khả năng chăm sóc và kinh nghiệm. Nếu thả nuôi tôm ở mật độ cao sẽ khiến nền đáy bị chai, nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại lớn. Mật độ thích hợp là từ 150 - 200 con/m2.

Với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Vinh lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Trần Hậu.

"Hiện đầu ra của tôm thẻ chân trắng khá ổn định, thương lái đến tận trang trại nhà tôi để thu mua với giá 100.000 đồng/kg. Dù nghề nuôi tôm theo kiểu này khá công phu, nhưng bù lại cho thu nhập ổn định, vì thế trong thời gian tới, tôi dự tính sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1.000m2 nữa, mở rộng quy mô trang trại lên hơn 5000m2 và nâng cao thu nhập hơn nữa…", ông Vinh cho hay.

Tiếp tục tiếp vốn cho các đối tượng chính sách

Ông Vinh cho biết thêm, ông sinh ra trên vùng đất cát trắng, đầy nắng gió Cẩm Thanh, trước đây đời sống của bà con nhân dân phụ thuộc làm ruộng. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra khá sôi động trên địa bàn TP.Hội An vì thế nghề làm nông (làm ruộng) không còn phù hợp nữa, một số lao động trẻ thì lên TP.Hội An làm ăn, hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Vợ chồng ông nhờ xây dựng được mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã trụ vững và từng bước có cuộc sống khấm khá ngay trên chính mảnh đất quê hương Cẩm Thanh.

Cán bộ NHCSXH TP.Hội An xuống tận cơ sở tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình kinh tế nuôi tôm của ông Vinh. Ảnh: Trần Hậu.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An cho biết, từ khi thành lập đến nay, đơn vị luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hội An để tiếp vốn cho người dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đặc biệt là các mô hình kinh tế mới. Giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vươn lên làm giàu chính đáng.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Lên ở xã Cẩm Hà với mô hình trồng rau hữu cơ; hộ ông Trần Văn Vinh ở xã Cẩm Thanh với mô hình nuôi tôm…. Những hộ tiêu biểu này nhờ đầu tư làm ăn bài bản, nguồn vốn phát huy được hiệu quả, đã thu lãi được hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

NHCSXH TP.Hội An luôn tận tình hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất. Ảnh: Trần Hậu.

Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An đã phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức hội, đoàn thể ủy nhiệm qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các thôn, xóm, khối phố trên địa bàn TP.Hội An đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi.

Được biết, trong những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cùng với TP.Hội An thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An đã đẩy mạnh công tác giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng. Đến 25/6/2022, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH TP.Hội An là 193.137 triệu đồng, tăng 27.111 triệu đồng so với đầu năm, riêng tại xã Cẩm Thanh có 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 553 hộ vay, ủy thác qua 4 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 21.736 triệu đồng, là địa bàn không có nợ quá hạn, tổng số tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là 1.696 triệu đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật