Quảng Bình: Người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ thất thu

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày này năm trước, cả làng Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã rộn ràng thu hoạch cá chép đỏ, thương lái đến tận nơi chờ để thu mua. Năm nay vì dịch bệnh nên số người nuôi cá ở đây giảm đi rất nhiều, cả làng vắng lặng trong ngày Táo quân.
Quảng Bình: Người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ thất thu
Vào cùng kỳ năm ngoái, tại làng Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người dân còn đang tất bật thu hoạch cá chép đỏ.

Năm nay phần lớn những ao nuôi cá ở làng Thượng Hậu trở thành những ao tù, cỏ, rong rêu mọc um tùm. Một số ao nuôi cá trước đây nay bà con cải tạo để trồng rau màu.

Theo chia sẻ của người dân, làng Thượng Hậu vốn nổi tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ, phục vụ Tết ông Công, ông Táo. Có thời điểm cả làng Thượng Hậu có đến hơn 100 hộ dân nuôi cá. Thế nhưng liên tiếp những năm gần đây, hết lũ lụt lại đến dịch bệnh, số lượng người nuôi cá chép đỏ đã giảm đi rất nhiều. Đến năm nay, cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ dân nuôi cá chép đỏ, tuy nhiên số lượng cũng không đáng kể.

Nói về nguyên nhân, những người dân nơi đây cho biết, do lũ lụt nên vào thời điểm đầu năm 2021, người nuôi cá không còn cá giống để thả. Cùng với đó, lúc vào vụ thả cá thì dịch COVID-19 lại có những diễn biến phức tạp, qua nhiều đợt giãn cách xã hội, người nuôi lo ngại dịch bệnh kéo dài không thể tiêu thụ nên đã dừng nuôi để tránh thua lỗ.

Năm nay, cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ dân nuôi cá chép đỏ, tuy nhiên số lượng cũng không đáng kể.

Là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi cá chép đỏ, những năm trước gia đình bà Trần Thị Thoài (SN 1968) có 4 hồ nuôi. Mỗi lần thu hoạch vào ngày Tết Táo quân cũng mang lại cho bà Thoài số tiền gần 50 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, gia đình bà không nuôi cá vì nguồn giống thiếu và sợ dịch nên gia đình bà không nuôi cá chép đỏ.

"Những năm trước thì vào những ngày này, cả làng đã rộn ràng thu hoạch cá, thương lái họ đến tận nơi chờ để thu mua, đưa kịp đến chợ phục vụ người dân. Thế nhưng năm nay vì dịch bệnh nên số người nuôi cá ở đây giảm đi rất nhiều, cả làng vắng lặng trong ngày Táo quân cũng buồn", bà Thoài chia sẻ.

Những năm trước gia đình bà Trần Thị Thoài (SN 1968) có 4 hồ nuôi. Mỗi lần thu hoạch vào ngày Tết Táo quân cũng mang lại cho bà Thoài số tiền gần 50 triệu đồng.

Toàn thôn Thượng Hậu hiện chỉ còn lại một số hộ còn nuôi cá chép đỏ, tuy nhiên số lượng nuôi cũng không đáng kể, các hộ nuôi cá hiện cũng đang phải tự tìm đầu ra cho mình bằng cách mang cá ra các chợ để tiêu thụ chứ không có thương lái đến thu mua như những năm trước.

Ông Lê Văn Côi, một người nuôi cá khác tại thôn Thượng Hậu cho biết: "Những năm trước cả làng nuôi cá chép đỏ, số lượng lớn nên thương lái họ đến mua tận nơi, năm nay nhiều thương lái quen cũng liên hệ nhưng không có cá nên họ đều tìm mối ở các tỉnh phía Bắc để chuyển vào. Cũng bởi vậy mà một số hộ nuôi nhỏ lẻ cũng phải tự tìm cách để tiêu thụ cá trong ngày Tết ông Táo".

Một số ao nuôi cá chép đỏ trước đây nay bà con cải tạo để trồng rau màu.

Trao đổi cùng PV, ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, toàn tỉnh trở lại với trạng thái bình thường mới, phía chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân đa dạng ngành nghề, nỗ lực phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch.

Người dân cũng đang từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi nghề nuôi cá chép đỏ trong vụ mới năm 2022. Phía chính quyền xã Võ Ninh cũng đang phối hợp với các đơn vị để định hướng, nâng cao kỹ thuật nuôi trồng cho bà con để tăng năng suất, không chỉ cá chép đỏ mà còn phát triển mô hình nuôi nhiều loại cá khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật