Đồng yên Nhật Bản trượt giá xuống thấp nhất 34 năm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giao dịch thưa thớt, đồng yên Nhật Bản trượt giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/1990 trong phiên giao dịch sáng ngày 29/4, trong bối cảnh thị trường căng thẳng, thanh khoản kém.
Đồng yên Nhật Bản trượt giá xuống thấp nhất 34 năm
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP

Đồng đô la Mỹ đã bất ngờ tăng giá lên tới mức 1 USD đổi được 160,245 JPY sau khi đồng yên giao dịch trong ngưỡng hẹp từ 158,05 - 158,15 JPY đổi 1 USD trong các giao dịch sớm.

Một nhà quản lý danh mục đầu tư nói với hãng tin Reuters rằng "các điểm dừng" của mức tỷ giá quan trọng 160 JPY/USD đã bị "phá bỏ", đồng nghĩa rằng những người nắm giữ đồng yên dài hạn gánh chịu sự trượt giá trầm trọng của nó.

Cú lao dốc của đồng yên không ảnh hưởng nhiều đến đồng euro và đồng bảng Anh trong lúc hai đồng tiền này cũng đều ở gần mức đáy tại phiên giao dịch đầy biến động vào cuối tuần trước, tức phiên giao dịch ngày 26/4.

Đồng bảng Anh đã nhích giá 0,22% lên mức 1 GBP "ăn" 1,2522 USD, nhưng vẫn còn một khoảng cách so với mức cao nhất là 1 GBP đổi 1,2541 USD được thiết lập trong phiên giao dịch 26/4.

Các thị trường đang cảnh giác trước bất kỳ sự can thiệp nào của chính quyền Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự sụt giảm gần 11% của đồng yên kể từ đầu năm đến nay.

Trước đó, đồng yên đã ghi nhận mức giảm sâu nhất trong 6 tháng ở phiên giao dịch ngày 26/4 khi nó chạm mức 154,97 đổi 1 USD. Diễn biến này đã làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền Nhật Bản có thể đang kiểm tra tỷ giá đồng yên trước khi quyết định can thiệp tiền tệ. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự lao dốc của đồng yên, theo Reuters.

Trong phiên giao dịch 26/4, các nhà giao dịch đã bày tỏ sự thất vọng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên các thiết lập chính sách và đưa ra một số tín hiệu về việc giảm mua vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB).

Tuần này, các thị trường đang đổ dồn sự chú ý vào đánh giá chính sách ngày 1/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất sau một loạt thông tin lạm phát khó khăn của Mỹ. Trước đó, các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, cũng đã nhấn mạnh rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Singapore, dự đoán tỷ giá USD/JPY sẽ có nhiều biến động hai chiều hơn cho đến cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/4 và ngày 1/5 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed.

Nhiều tuần qua, những kỳ vọng về việc Fed sẽ có động thái diều hâu (tăng lãi suất) đã khiến cho đồng đô la Mỹ tăng đều đặn so với hầu hết các loại tiền tệ khác.

"Mức tỷ giá đó là khá cao đối với một kỳ vọng bất ngờ diều hâu kéo dài, từ đó sẽ đẩy lợi suất (trái phiếu - BTV) lên cao", ông Varathan lưu ý.

"Vì vậy, từ góc độ chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB), để điều đó tiếp tục khiến đồng yên mất giá hơn nữa, rào cản thực sự rất cao vì Fed có thể không có thái độ diều hâu như thị trường mong đợi", nhà phân tích của Ngân hàng Mizuho nhận định.

Do đó, "sự thất vọng về Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể được chuyển sang Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong chừng mực họ có thể do dự hơn là tỏ ra diều hâu", ông Varathan nói thêm.

Fed được kỳ vọng là sẽ giữ lãi suất cơ bản ổn định ở ngưỡng 5,25 - 5,5% tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai này tới. Theo nền tảng theo dõi biến động chính sách FedWatch của CME, các nhà đầu tư dự đoán Fed có lẽ chỉ thực hiện một đợt cắt giảm duy nhất trong năm nay và điểm rơi có thể là tháng 11.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật